Học vẽ làm sao để Sketch tay tốt hơn? (P1)

Nếu nói đến vẽ Sketch (phác thảo) thì Trí Núi có chính xác là 10 năm kinh nghiệm từ lúc học năm nhất đại học đến nay. Nên có thể có những chia sẻ theo cách hiểu, theo level của 10 năm. Tất nhiên là sẽ không thể bằng những KTS hay những nhà thiết kế kỳ cựu, nhưng Trí Núi tin rằng, những gì mình chia sẻ sau đây không phải là thừa, nhất là đối với những bạn mới bắt đầu học vẽ tay. 

Minh họa: Chọn hình này làm mở đầu cho loạt bài sketch vì là hình của Trí Núi, được chọn đăng trên tapchikientruc chứ bài này không phải chỉ nói về Sketch mặt bằng kiến trúc nhé :))

Trước hết, theo khái niệm, Sketch là phác thảo nhanh những ý tưởng, là một giai đoạn trước khi bước sang giai đoạn hoàn thiện chi tiết của một bức tranh hay một bản thiết kế. Một bản Sketch cần được thực hiện trong thời gian ngắn, ngắn đủ để các ý tưởng liền mạch và luôn luôn biến đổi, phát triển, chỉnh sửa để có thể ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. 
Để một bức Sketch thành hình thì Trí Núi tạm liệt kê các bước như sau:
Tư duy về thứ mình sắp vẽ -> vẽ nhanh ra giấy-> tư duy tiếp dựa trên những gì đã vẽ -> chỉnh sửa hoàn thiện bản vẽ -> tư duy tiếp -> chỉnh sửa tiếp... 
Vậy thì, kỹ năng tư duykỹ năng vẽ tay phải ăn khớp với nhau như là "song kiếm hợp bích" 
Vậy thì luyện 2 kỹ năng ấy thôi!



(1) Trước hết là KỸ NĂNG VẼ TAY
Để vẽ tay, người học vẽ cần có căn bản về hình họa (gọi là hình họa căn bản). Nếu bạn đã từng luyện thi kiến trúc hay mỹ thuật thì mình đang nói đến các khối cơ bản, tĩnh vật, đầu tượng được vẽ bằng chì. Kỹ năng hình họa sẽ quan trọng hơn cả màu sắc. Bởi các bức Sketch, đôi khi dừng lại ở sắc độ đen trắng cũng đã đủ để hiểu, trừ khi ta có yêu cầu cao hơn mới dùng đến màu sắc.

Hình mà Trí Núi Sketch minh họa lúc giảng bài
Để học hình họa căn bản, sẽ có các khóa học từ 8 buổi trở lên, thế nhưng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách dạy của người Thầy, bởi đây chính là thời điểm nhạy cảm nhất của người học (đang là tờ giấy trắng). Những gì người Thầy truyền dạy sẽ có ảnh hưởng lớn đến cách vẽ của người học sau này. Trí Núi đã dạy môn này 8 năm, và cũng rất cẩn thận, thận trọng trong cách sư phạm. 
Mấu chốt của việc vẽ tay tốt đó là "luyện tập" một giờ luyện tập có ích hơn 3 giờ đọc sách. Nếu chưa có kiến thức gì, vẫn hãy cứ luyện tập với Sketchbook của mình. Sau đó mới nghĩ đến việc đọc sách và thu nạp thêm những kiến thức. Cách học như thế có thể gọi là "học ngược" đi từ thực hành mới tới lý thuyết, nhưng đó mới là cách sư phạm đúng cho các môn thực hành. Tinh thần dám vẽ, không sợ sai sẽ khiến bạn vẽ tốt và vẽ nhanh ngay cả những thứ mình chưa bao giờ vẽ (điều này rất cần, bởi trong thiết kế, hầu như bạn sẽ vẽ những gì chưa có ở thực tế). Gọi nôm na đó là kỹ năng vẽ từ trí tượng tượng.

Giới thiệu: 21 bài học vẽ online cơ bản về phác thảo trong thiết kế

Còn nữa, để vẽ tay theo kiểu phác thảo tốt thì phần dựng hình sẽ quan trọng hơn tô bóng. Hình rồi mới tới họa (trong 2 chữ "hình họa). Để luyện tập, không gì hay ho bằng bạn hãy tập kí họa các đồ vật đơn giản hằng ngày: chén, ly, muỗng, tách... cho đến những công trình cảnh vật.

Trí Núi có tổ chức một group đi kí họa, không phân biệt kỹ năng chuyên môn vẽ, miễn thích vẽ là nhích. Nhắc lại, quan trọng vẫn là dám hay không dám. Mỗi sáng T7, CN hằng tuần, bạn có dám ra khỏi giường để cầm Sketchbook đi kí họa hay không? 
Nếu có thì group ấy đây: SV ZEST ART
Tóm lại, phần "kỹ năng vẽ tay" hầu như bạn sẽ được trang bị đủ trong môn "hình họa căn bản" kèm theo đó là luyện tập nhiều và thường xuyên. Nhiều bạn cũng hỏi mình, là sao để "drawing" tốt, kiểu kiểu như cái hình bên. Tôi cũng trả lời: 6 tháng hình họa rồi tính tiếp.
Vậy đó, hình họa là gốc của Sketch tay ứng dụng cho thiết kế.
>>À, nhắc thêm, hãy trực họa - đừng cố chép tranh hay chép ảnh, kẻo mình chỉ học được "họa" mà chẳng hiểu gì về "hình"

>>>Tài liệu học thêm: 3 quyển sách học vẽ cơ bản 

Hình khối căn bản sketch tay, kỹ năng sketch, cách học


(2)Tiếp theo là KỸ NĂNG TƯ DUY 
Đợi phần 2 nhé, trong lúc chờ đợi, bạn hãy chăm chỉ luyện tập vẽ tay đi.... 


Đăng nhận xét

0 Nhận xét