Giới thiệu về môn Vẽ Mỹ Thuật - Luyện thi Kiến Trúc, Mỹ Thuật


1. Giới thiệu chung về môn Vẽ Mỹ Thuật:

- Vẽ là một nghệ thuật đã có từ rất lâu đời, trước khi người ta phát minh ra chữ viết, ngôn ngữ thì loài người đã biết sử dụng các hình vẽ để truyền thông tin. Do vậy, vẽ được xem như là bản năng mà tạo hóa đã phú cho loài người.
- Tuy nhiên việc vẽ để thi đậu vào các trường ĐH Kiến Trúc, Mỹ Thuật không phải đơn giản chỉ dừng lại ở việc vẽ theo bản năng mà phải trải qua một quá trình khổ luyện theo đúng phương pháp.
- Hiện nay, có rất nhiều chất liệu để Vẽ như: bút mực, bút chì, bút lông, màu nước… Trong đó, vẽ bằng bút chì được sử dụng rộng rãi trong các kì tuyển sinh vì nó là phương tiện đơn giản, thể hiện được nhiều tầng sắc độ phong phú và chính là cội nguồn của môn hội họa với các chất liệu khác.
- Trong kỳ tuyển sinh, dù bạn thi khối V hay H, thi Chân Dung hay Tượng thì các bạn đều phải sử dụng bút chì và phải nắm vững phần căn bản mà chúng ta sắp được học trong topic này.



2. Chặng đường học vẽ của thí sinh:


- Đầu tiên khi tìm đến Kiến Trúc, Mỹ Thuật ai cũng háo hức và tò mò về "nghề Vẽ". Và khi học được một thời gian thì không ít người quyết định bỏ nghề, có nhiều nguyên nhân như: kinh phí, thời gian, kém quyết tâm, cách dạy sai của người thầy... Do vậy bước đầu tiên là các bạn hãy xác định rõ mục tiêu, lượng trước khả năng kinh tế của gia đình, sắp xếp thời gian học hợp lý để có ít nhất 2 buổi vẽ/1tuần, tìm hiểu và chọn người thầy phù hợp với khả năng của mình.

- Khi bước vào học vẽ, cái khó khăn nhất là bạn phải vượt qua được những ấn tượng ban đầu về các đường bao, vẻ bề ngoài của vật thể để đi sâu vào phân tích cấu trúc, bản chất tồn tại của vật thể trong không gian.
- Khi trong đầu bạn đã có được một cách nhìn đúng đắn về tỷ lệ, cấu trúc, không gian, ánh sáng và đôi tay đã thực sự theo ý muốn thì bạn có thể vượt qua được bài học căn bản và tiến gần đến đề thi đại học.



3. Kinh nghiệm cho thí sinh:

- Khi mới học vẽ, không được giữ tư tưởng "mình phải có phong cách riêng" vì trước tiên, cái đúng được đặt lên hàng đầu. Bạn mới học, chắc chắn thầy bạn sẽ sửa bài bạn sao cho đúng chứ không phải cho đẹp mà cần phải có phong cách.
- Không nên thụ động: Trong lò rất đông, thầy bạn không thể mang kiến thức đến cho từng người được mà yêu cầu bạn phải đặt ra những câu hỏi, thắc mắc cho thầy mình.
- Học thầy không tày học bạn: Đặc biệt với môn Vẽ, câu này là rất đúng, học kèm sẽ không mang lại hiểu quả bằng học chung với một nhóm gồm nhiều bạn vẽ đẹp. Trong suốt chặng đường dài theo đuổi ngành nghề, chúng ta luôn cần một người đồng hành để đi được xa hơn.
- Nét vẽ đúng luôn nằm giữa những nét vẽ sai, bạn không nên tẩy đi những nét vẽ sai và vẽ lại để mong có được một nét vẽ chuẩn.
- Luôn để bài ra xa để quan sát tổng thể.
- Vẽ là một môn thực hành nhưng không thể xem nhẹ lý thuyết, mãi mê vẽ ngày vẽ đêm trong khi đầu óc trống rỗng thì chỉ dừng lại ở việc chép tranh mà thôi. Trong khi đó, các ngành nghề cần môn năng khiếu cũng đồng thời cần sự sáng tạo của người sáng tác chứ không phải chỉ chép lại một thứ đã có sẵn.


Bài viết: Nguyễn Hữu Trí

Đăng nhận xét

0 Nhận xét