SERIES HỌC TỪ NGƯỜI THẤT BẠI - Phần 1: NGƯỜI BẮT ĐẦU MUỘN

Thật may là không nhất thiết chúng ta phải thất bại mới rút ra được bài học. Có một cách khác để "học ké" một cách khôn ngoan hơn đó là quan sát những người thất bại, soi và tìm ra nguyên nhân khiến họ thất bại, nỗ lực để không vấp phải những sai lầm tương tự.


Để giúp các bạn có thêm những bài học kinh nghiệm, tôi viết series này để nêu ra các mẫu người "thất bại" điển hình mà tôi đã bắt gặp trong suốt quá trình đi dạy của mình.

Phần 1: NGƯỜI BẮT ĐẦU MUỘN


Tôi gặp không ít người để đến sát ngày thi mới bắt đầu học vẽ rồi nhận kết quả thi rớt. Khi nhận kết quả thì đã quá muộn màng, đúng hơn là họ đã muộn ngay từ lúc bắt đầu! Tại sao muộn? Vì song song lý thuyết, vẽ còn yêu cầu bạn phải có đủ thời gian thực hành để biến kiến thức thành kỹ năng.

VÒNG LẶP: TÍCH LŨY & PHÁT TRIỂN

Cụ thể thì quá trình học vẽ được mô phỏng như sau:

1 - Giai đoạn tích lũy: Là bước đầu làm quen với dụng cụ, khái niệm lý thuyết cơ bản và thực hành một số bài tập đơn giản.

2 - Giai đoạn phát triển: Sau khi đã tích lũy được một số kỹ năng nhất định, bạn sẽ được thực hành các đề khó hơn, độ khó đề tăng dần đồng thời năng lực vẽ của bạn cũng tăng theo. Ở GĐ này, bản thân bạn sẽ rất tự tin vì bản thân tiến bộ rất nhanh.

3 - Giai đoạn tích lũy (lần 2): Bạn lại bị "khựng" lại do các lý thuyết đã được vận dụng nhuyễn và không còn mới, bạn mất đi cảm giác hứng khởi ban đầu. Chất lượng bài vẽ cũng đi ngang, thậm chí còn đi xuống do tâm lý. Tuy nhiên, chính cảm giác nản chí lúc này giúp bạn đi tìm kiếm & học hỏi thêm nhiều điều mới.

4 - Giai đoạn phát triển (lần 2): Trước đó, bạn cảm giác mình đang đi ngang, đi lùi - không thấy tiến bộ, bỗng một ngày bạn vẽ được liên tiếp nhiều bài xuất sắc, được khen và cảm thấy rất hài lòng. Sự tự tin đã trở lại và bạn dễ dàng chinh phục những bài khó và tiến bộ rất nhanh. Lúc này, chính thức bạn đã sang giai đoạn phát triển lần thứ 2. Kết quả tích cực này có được là nhờ những lần luyện tập, những lần nỗ lực tìm kiếm cái mới để bứt phá sang một level mới!

Cứ thế, quá trình học vẽ là một vòng lặp. Tiếp tục bạn sẽ cảm thấy mọi thứ không còn mới, level đi ngang tích lũy, tích lũy đủ sẽ phát triển, phát triển đến ngưỡng sẽ lại tích lũy... Năng lực của bạn sẽ tiếp tục tăng lên sau mỗi vòng, điều này lặp lại nhiều lần cho đến ngày thi.

Từ đó bạn sẽ rút ra một điều rằng, người học vẽ MUỘN sẽ KHÔNG đủ thời gian để lặp lại NHIỀU LẦN vòng lặp trên. Thậm chí, có người còn mới tích lũy được vài ba chiêu mà chưa kịp thời gian để bước đến giai đoạn phát triển. Không tiến bộ, không có những lần bức phá dẫn đến thiếu kỹ năng và THẤT BẠI trong kỳ thi.


VẬY HỌC BAO LÂU ĐỂ KHÔNG MUỘN?

M.Gladwell đã đưa ra giả thuyết về 10.000 giờ luyện tập có chủ đích để trở nên thành công trên một lĩnh vực nào đó. Khi bạn bước vào một kỳ thi vẽ với tư cách là thí sinh thì không thể yêu cầu bạn phải luyện nhiều giờ như một chuyên gia, nhưng số giờ luyện tập cũng là một thước đo gần chính xác và đáng tin nhất hiện tại.

Theo thống kê cá nhân của tôi sau hàng chục năm giảng dạy, một thí sinh luyện thi vẽ mất trung bình 500 giờ để hoàn thành lộ trình luyện thi vẽ (đối với các môn vẽ đầu tượng, trang trí, tĩnh vật...). Bạn cần lưu ý, điều này có nghĩa là luyện 500 giờ mới đạt mức trung bình như đại đa số người khác. Đồng nghĩa rằng muốn đạt kết quả tốt hơn như số ít người làm được thì bạn phải luyện nhiều hơn 500 giờ.

Dựa trên quan sát cá nhân của Trí Núi, trong khoảng 500 giờ luyện tập, một bạn học vẽ thông thường sẽ lặp lại quy trình (tích lũy + phát triển) khoảng 3 lần.

Trên đây là bài học rút ra được từ người bắt đầu học vẽ muộn, vì vậy hãy bắt đầu sớm để lặp lại nhiều vòng nhất có thể nhé!

---
Series này muốn gởi gắm đến bạn:
Đừng đợi thất bại mới rút ra bài học, hãy quan sát thất bại của người khác!




Đăng nhận xét

0 Nhận xét