Hội An – 5 lớp cư dân trong tiến trình lịch sử

    Bài viết là một trích đoạn trong nghiên cứu của Trí Núi về Tính cộng đồng trong cư dân Hội An. Bài viết sử dụng nhiều tư liệu, trích đoạn trong các sách/ tài liệu về lịch sử và văn hóa liên quan đến Hội An. 

    Như bài viết trước (Hội An - địa thế vàng cho một thương cảng lừng lẫy), tôi có đề cập đến sự đa dạng trong cấu trúc cộng đồng cư dân ở Hội An. Một “địa thế vàng” đã mang lại cho Hội An không chỉ là phát triển kinh tế mà còn kéo theo đó là một hiện tượng “hội nhân” hiếm có trong lịch sử Xứ Đàng Trong. Qua nghiên cứu, tôi liệt kê ra 3 lớp cư dân chính ở Hội An sau đây: 

Miếu Quan Công - Nơi linh thiêng của các thương nhân. Hình: Trí Núi

1. Cư dân tiền – sơ sử

Dựa vào kết quả khảo cổ học thông qua các di tích có niên đại cách ngày nay từ 2000 – 3000 năm, có thể nói đã sớm có một cộng đồng cư dân Sa Huỳnh cổ tập trung sống vùng ven sông, trên các cồn – bàu, sớm có sự “giao tiếp với thế giới bên ngoài”. Họ có sức sản xuất cao, sớm biết làm nông nghiệp lúa nước, khai thác lâm thổ sản, chế tác trang sức, trao đổi buôn bán sản vật với các vùng trong nước, khu vực Đông Nam Á, Trung Hoa… Hội An thời tiền - sơ sử “là tiền đề cho sự hình thành những tiểu vương quốc Champa vào những thế kỷ đầu Công nguyên”. 

2. Cư dân thời Chiêm Cảng – Champa 

        Kế thừa nền tảng cơ cấu có sẵn của phức hệ văn hóa Sa Huỳnh, người Chăm cổ đã xây dựng một cơ cấu kinh tế tổng hợp trình độ cao, bao hàm nông nghiệp lúa nước (dâu tằm, vải nhuộm, hoa màu), thủ công nghiệp (rèn sắt, dệt vải, lụa, chế tạo đồ thủy tinh, đá ngọc, khai khoáng vàng, mỹ nghệ vàng bạc) và thương nghiệp (buôn bán đường biển, đường sông và đường núi). Họ có khả năng chọn vị trí xây dựng giếng rất tốt (nhiều giếng hiện nay vẫn còn sử dụng được), nhờ vậy các thương thuyền cập bến Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm) một phần chủ yếu là để trao đổi nước ngọt với dân bản địa. Một mặt giao lưu kinh tế, một mặt là giao lưu văn hóa, “người Chàm cổ đã biết hội tụ nhiều thành tựu văn hóa của Ấn Độ, Ba Tư, Trung Hoa, Đông La Mã và Trung Cận Đông qua các hình thức tôn giáo Bà La Môn, Phật, Hồi giáo”.  

Giếng Cổ 200 năm ở Cù Lao Chàm, ghi dấu vết tích của người Chăm

3. Lớp cư dân Đại Việt

    Trong buổi hoàng hôn của vương quốc Champa (cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV), đã có những người Việt đầu tiên đến Chiêm cảng – Hội An. Tuy nhiên đó chỉ là những đợt di dân nhỏ lẻ, người Việt chưa đủ điều kiện nhân lực, vật lực để tiếp quản vùng đất này. Đến đầu thế kỷ XV, những cư dân Đại Việt thời nhà Hồ mới là những người Việt đầu tiên chính thức được triều đình khuyến khích đi đến vùng Thăng Hoa (thuộc đất Quảng Nam ngày nay), “người đến ở châu nào phải khắc tên châu ấy trên cánh tay hàm ý giữ đất đến cùng”. Nhưng thần dân nhà Hồ chưa kịp “an cư” thì sự nghiệp của nhà Hồ sớm chấm dứt vào năm 1407. Trong buổi ban đầu vốn đã khó khăn trên vùng đất mới, lại là vùng đất bị tranh chấp, người Việt “cùng chung sống với người Chàm chắc hẳn phải khôn khéo, dũng mãnh và tế nhị”. 

Đến thời vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành (1471). Kế đến, phải kể đến sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) sau đó là cả Quảng Nam (1570) và lập dinh trấn Quảng Nam (1602), nhiều làng xã người Việt tiếp tục ra đời và phát triển về mọi mặt. Cụ thể là có sự xuất hiện của làng Võng Nhi, Cẩm Phô (cuối thế kỷ XV), làng Thanh hà (trong thế kỷ XV), hay làng Hoài Phô, Cẩm Phô (xuất hiện trong “Phủ biên tạp lục” – thế kỷ XVI), làng Kim Bồng (đầu thế kỷ XVII) làng Cẩm Phô và Sơn Phô (giữa thế kỷ XVII)… 

Đình Xuân Mỹ - nét thân thuộc của văn hóa Việt: Cây đa, bến nước, sân đình. Hình: Trí Núi

Ngay từ buổi đầu đến Hội An, xứ Quảng, cư dân Việt đã vận dụng được những truyền thống của đồng quê Bắc Bộ và học hỏi người Chàm trong cách trồng dâu chăm tằm, ươm tơ dệt lụa. Đồng thời tận dụng nguồn tài nguyền dồi dào tại địa phương mà trở thành nguồn cung cấp tơ lụa, lâm thổ sản cho Chiêm Cảng. Tuy nhiên, triều Lê vẫn với sự độc tôn Nho Giáo, “trọng nông ức thương”, Hội An ở thế kỷ XV vẫn trên đà suy thoái, bị đặt trong một cơ cấu kinh tế “bế quan tỏa cảng”. Vậy nhưng một thời gian sau, cư dân Việt ở Hội An cùng với số lượng công trình di tích đã tăng nhanh một cách đột biến vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII cho đến thể kỷ XVIII- XIX. Nhiều làng xã mới được thành lập: Hòa Yên, Tân Hòa, Sơn Phong… Đồng thời một số làng có qui mô và diện tích lớn được cắt thành các làng nhỏ. Điều này có thể được giải thích bằng chính sách “thân dân” và một cơ chế cởi mở hơn của chính quyền Chúa Nguyễn so với chính quyền phong kiến triều Lê hay Trịnh ở Đàng Ngoài [61]. Người Việt đồng thời cũng được “thừa kế” từ Chiêm cảng của Champa, những thương thuyền là bạn hàng cũ vốn quen thuộc với Chiêm cảng thì vẫn ghé qua lại nơi đây. 

    Thế nhưng, “chính quyền các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong bản chất giai cấp vẫn là chính quyền của một tập đoàn địa chủ”. Người Việt ở Hội An “chỉ là tiểu thương tiểu chủ, tầng lớp mại biện, các chủ cửa hàng”, chưa bao giờ trở thành một đại thương gia như người Hoa hay người Nhật.

4. Lớp cư dân Trung Hoa

    Xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế (năm 1567, Minh Mục Tông bỏ lệnh cấm vận với các nước Đông Nam Á trong khi vẫn cấm vận giao thương với Nhật Bản), nhiều cư dân Trung Hoa đã đến xứ Quảng – Đàng Trong và tập trung chủ yếu ở Hội An để trao đổi buôn bán. Đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn cho phép thành lập “Đường nhân phố” (phố người Hoa còn gọi là phố Khách). Sự thất bại của triều đình nhà Minh trước Mãn Thanh đã khiến những “thần dân” nhà Minh (bất phục nhà Thanh) kéo theo cả bộ thuộc ra đi tạo nên làn sóng di cư mạnh mẽ về phương Nam. Hội An là một trong những lựa chọn của họ, cùng với chính sách cởi mở của chúa Nguyễn, dẫn đến sự hình thành tổ chức “Minh Hương xã” ở Hội An vào khoảng nửa sau thế kỷ XVII, sống xen kẽ trong các làng xã người Việt, họ là những người gốc Hoa mang quốc tịch Việt. Khác với làng xã người Việt, chúng ta không thể hoạch định bản đồ địa giới hành chính của Minh Hương xã, tổ chức hành chính của họ cũng đặc thù không giống làng Việt. Bên cạnh tổ chức của người Minh Hương, còn có các nhóm Hoa kiều không định cư lâu dài, không nhập quốc tịch Việt, sinh hoạt trong “các bang”: Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông (Quảng Triệu), Hải Nam, Gia Ứng và một tổ chức điều hành chung là Dương Thương hội quán. 

    Được chúa Nguyễn ưu ái, “Người Minh Hương có quyền tự trị rộng rãi, họ tự bầu thủ lĩnh riêng, tự do buôn bán kinh doanh, sinh hoạt theo cách riêng, không bắt buộc phải theo phong tục tập quán người Việt”. Người Minh Hương chủ yếu làm nghề kinh doanh, buôn bán và thủ công nghiệp, một số người được trao quyền lực kinh tế và chính trị trở nên giàu có. Về sau, khi đã có thực lực kinh tế, người Minh Hương đã mua lại một số đất đai ở các làng Hội An, Cẩm Phô, Thanh Châu, Mậu Tài… để lập phố, xây dựng nhà ở và các công trình sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo tín ngưỡng hoặc cho thuê. Người Minh Hương lấy những người vợ Việt để giúp việc buôn bán, trông coi gia sản, nuôi dạy con cái… Những cuộc hôn nhân giữa chồng Hoa vợ Việt hay vợ Hoa chồng Việt được chính quyền khuyến khích, diễn ra tương đối phổ biến tại Hội An trong thời gian này. 

Đình Minh Hương - Một trong những dấu ấn của lớp cư dân Hoa. Hình: Trí Núi

5. Lớp cư dân Nhật 

    Theo thống kê, từ năm 1601 đến năm 1635, đã có 356 Châu ấn thuyền xuất dương, trong đó có 71 thuyền đến Quảng Nam (Hội An), trong khi đó chỉ có 37 thuyền đến Đông Kinh (thuộc chúa Trịnh). “Từ năm 1596, một số thương nhân Nhật đến xin lập phố, dựng chùa ở Hội An, như trường hợp của thương gia Sumijo Shichirobei”. Người Nhật đã sớm trở thành đối tác quan trọng của xứ Đàng Trong, “trong một số bức thư chúa Nguyễn yêu cầu họ không buôn bán với Đàng Ngoài”. Cũng như người Hoa, người Nhật được Chúa Nguyễn cho phép lập phố buôn bán, dãy phố này được gọi là “Nhật Bản phố”, “có một khu vực riêng, có cơ quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng”. Phố Nhật có khoảng 60 gia đình sinh sống, ước tính khoảng 200 – 300 người Nhật, có tác giả cũng cho rằng có đến 700 người Nhật sinh sống ở Hội An vào đầu thế kỷ XVII. Nhưng sau lệnh tỏa cảng của Mạc phủ năm 1635, các thương nhân Nhật không được xuất thuyền rời cảng đi nước ngoài, hàng loạt cư dân Nhật ở Hội An phải về nước. Người Nhật nhường lại vai trò chủ đạo ở thương cảng cho người Hoa và nửa sau thế kỷ XVII. 

    Tuy chỉ xuất hiện đông đảo ở Hội An trong vẻn vẹn hơn 3 thập niên, nhưng người Nhật và các thương nhân Nhật góp phần “kích thích sự phát triển của các nghề thủ công, thổ sản, lâm sản đồng thời góp phần làm cho mạng lưới giao thông rộng mở, kinh tế hàng hóa trong nước phát triển… đặc biệt là thương cảng Hội An bấy giờ càng trở nên sầm uất”. Các thương gia Nhật xuất hiện ở Hội An cũng là đánh dấu bước đầu cho sự du nhập một kiểu thức, phong cách buôn bán và sinh hoạt mới, là điểm đặc trưng nếp ứng xử cư dân cảng thị Hội An trong suốt thời gian sau đó.

Chùa Cầu từng có tên gọi thân thuộc là "Chùa Nhật Bổn"

Bài viết: Trí Núi

Đăng nhận xét

0 Nhận xét