Đường chọn nghề 3: Có nhất thiết phải tìm ra đam mê?

    Tôi đã từng nghe rất nhiều bàn luận nghi ngờ về việc “có nhất thiết phải đi tìm đam mê?”, đại ý như là: Không có đam mê thậm chí vẫn có thể thành công, vẫn sống tốt và giàu có! 

Tìm ra đam mê làm gì có cần thiết không

    Bạn đang đọc Series: Đường chọn nghề - là những chia sẻ tâm huyết của Trí Núi nhằm giúp các bạn có được những kiến thức cần thiết trong hành trình chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp. Bài viết tuần này của tôi có chủ đề: “Có nhất thiết phải tìm ra đam mê?”, tôi sẽ dành thời gian tập trung vào khía cạnh “sẽ thế nào nếu sống thiếu đam mê”, từ đó suy ra lợi ích của việc tìm ra đam mê trong cuộc sống. 

Xem toàn bộ: Series: Đường chọn nghề

Về tình trạng “sống thiếu đam mê”, tôi sẽ đưa ra 2 trường hợp phổ biến thường gặp ở các bạn trẻ:

Trường hợp 1: Chẳng biết mình đam mê điều gì?

Bài 2 – Đam mê là gì? Tôi đã có chia sẻ về khái niệm: Đam mê là ta thích rất nhiều, là ta bị lôi cuốn vào một điều gì đó, tự nguyện hành động không mệt mỏi vì điều đó, bất kể thời gian, sức lực. Như Spears đã dành cả thời thơ ấu để học nghệ thuật, Ronaldo đã dành cả tuổi trẻ để chơi bóng mà chưa bao giờ tôi nghe họ than phiền rằng họ chán chường vì theo đuổi nghề nghiệp họ chọn.

    Thiếu đam mê có nghĩa là bạn thiếu đi một thứ mà bạn thích rất nhiều và lâu dài, rất có thể bạn sẽ dễ bị rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản khi làm một điều mà bạn đã hết thích, tôi gọi đây là: “nỗi bất hạnh thứ nhất”. Bạn sẽ luôn phải đặt câu hỏi là mình làm vì điều gì? Để được điều gì? Để được thưởng thứ gì? Hay được bao nhiêu tiền?... Tôi không cho rằng, việc đặt ra mục tiêu cho mỗi công việc là sai, tuy nhiên, nếu bạn chỉ luôn lấy mục tiêu để cố tạo một “động lực tức thời” thì quả thực bạn chưa đạt trạng thái thỏa mãn, bạn vẫn phải luôn đấu tranh. Nếu có thỏa mãn, thì cũng chỉ là thỏa mãn về mặt lý trí: làm tốt thì nhận phần thưởng, không thì sẽ mất phần thưởng. Còn về mặt cảm xúc thì sao, bạn hoàn toàn “vô cảm” với công việc ấy! Bạn nghĩ thế nào nếu có một việc khác mà bạn nguyện làm một cách hăng say, tận hưởng từng giây phút, bạn dấn thân vào vì bạn yêu thích, vì một nguồn cảm hứng khó gọi tên? Hẵn sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều phải không? Bên cạnh đó bạn vẫn luôn ghi nhớ mục tiêu sẽ là một phần thưởng xứng đáng đợi bạn khi hoàn thành. Bạn sẽ được thỏa mãn trong suốt quá trình chứ không hẳn là chỉ ngay thời khắc nhận được phần thưởng!

    Một vận động viên điền kinh, chạy trên sân, họ hạnh phúc trong từng bước chạy cho đến lúc đứng trên bục nhận huy chương. Hay là họ chỉ cố chạy vì cảm giác sung sướng lúc nhận huy chương? Một cầu thủ bóng đá, nguồn cảm hứng lớn nhất của họ là lúc chơi bóng hay lúc lãnh lương và nhận cúp? Trong khi bạn biết đó, một vận động viên, một cầu thủ sẽ phải nỗ lực suốt năm này qua tháng nọ để dự một cuộc thi, và việc họ đứng trên bục vinh quang chỉ diễn ra trong đúng một khoảnh khắc, và phần lớn trong số họ là không nhận được thành tích gì cả. Nếu không có đam mê, họ sẽ chẳng thể nào thỏa mãn về mặt tinh thần trong suốt quá trình nỗ lực dài hơi ấy, mà chỉ chờ đợi kết quả để mang lại sự thõa mãn. Bạn biết đó, kết quả chỉ đến đúng 1 khoảnh khắc, mang đến sự thăng hoa rồi tan biến, hoặc sẽ chẳng bao giờ đến. Điều tôi nói cũng tương tự như: “Hạnh phúc chính là quá trình, không phải đích đến”. Hạnh phúc ở đây là đam mê luôn đồng hành cùng ta trong mọi phút giây.

Có nhất thiết phải tìm ra đam mê, thành công không cần đam mê

“Nỗi bất hạnh thứ nhất” đó là phải cố lấy phần thưởng tương lai để tạo thứ động lực nhất thời, còn lại là sự vô cảm với công việc hiện tại.

Đơn giản hơn, giả sử mỗi sáng bạn thức dậy, bạn không biết là mình thích làm gì, không hề có một kế hoạch trước được bạn lập ra để hoàn thành một mục tiêu sống. Bạn chỉ biết là cấp trên, người lớn, thầy cô giao cho bạn việc A, bạn làm việc A cho xong, cho tốt, thậm chí là cho có. Ngày qua ngày, bạn cứ sống như thế thì liệu rằng bạn đang sống cho bạn, vì bạn hay là sống theo cách mà người khác đã chọn cho bạn? 

Viết đến đây, tôi đã giúp bạn trả lời được câu hỏi mà đề bài đã đưa ra: “Có nhất thiết phải tìm ra đam mê?”. Bạn cần đam mê để làm gì? Trả lời: để thực sự hạnh phúc trong hiện tại và biết được điểm hạnh phúc ở tương lai cần đi đến.

Trường hợp 2: Chọn đi một đường còn đam mê thì một nẻo?

    Có người đã biết được đam mê rồi, nhưng vẫn cảm thấy càng ngày càng rời xa đam mê, bởi họ không được học đúng ngành, làm đúng việc mà họ thích. Trường hợp này thật phổ biến, không nói đâu xa, các bạn đang được đọc những chia sẻ của một người từng như thế. Ngành mà tôi từng học không phải là đam mê thực sự của tôi, có thời điểm, hầu hết các môn học ở trường đại học tôi chỉ hoàn thành một cách miễn cưỡng. 

Đam mê một thứ khác, học một thứ khác

Đam mê một hướng khác, nhưng phải chọn đi một con đường khác chính là “nỗi bất hạnh thứ hai”

    Những bài tập trong suốt thời gian học đại học, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thành. Khó khăn đến chủ yếu đến từ việc tôi luôn cảm thấy chán, không đủ năng lượng để làm, không phải đến từ độ khó của bài tập. Bạn biết không, đã có lần tôi bỏ ngang một bài tập, chấp nhận điểm 0, để đi dành thời gian soạn giáo án đi dạy thêm. Bởi tôi đam mê công việc giảng dạy hơn bất cứ thứ gì khác, tôi tự nhiên bị cuốn vào việc soạn giáo án, việc đi dạy mà không hề có bất kỳ cản trở nào! Nhiều khi tôi “stress” vì tại sao tôi lại chọn ngôi trường này.

    Ngược lại, cái cảm giác được truyền đạt kiến thức đối với tôi lại là một niềm sung sướng tột độ, chưa kể có nhận lại điều gì không, tôi vẫn luôn tự mỉm cười mỗi khi thấy học trò tôi tiến bộ qua những bài giảng của tôi. Cũng như tôi hoàn toàn vui vẻ và tự nguyện khi viết ra những chia sẻ này, và tôi sẽ rất vui khi tôi biết có rất nhiều bạn trẻ đang lắng nghe và học hỏi.

Cái cảm giác bạn phải trốn tránh thực tại để tranh thủ sống với đam mê thì không thoải mái chút nào!

    Tôi nghĩ ở “nỗi bất hạnh thứ hai” này, nhiều bạn sẽ đồng cảm với tôi, đặc biệt là các bạn sinh viên đã lỡ chọn cái ngành theo bạn bè, theo bố mẹ hay theo trào lưu và giờ đọc những bài viết của tôi để cố tìm ra một phương hướng. Nếu bạn thực sự rơi vào hoàn cảnh này, đừng quá bi quan, bởi ít nhất thì bạn đang hạnh phúc hơn “nỗi bất hạnh thứ nhất” là bạn có đam mê, vẫn có thể sống cùng đam mê của bạn cho dù chỉ là trong phút chốc! Bạn hãy lưu ý rằng, cho dù là bạn chưa được bước trên con đường thẳng đến đam mê, nhưng bạn đang cố tìm một ngã rẽ phù hợp để đến được với nó. Bạn chưa có được một hạnh phúc trên hành trình hiện tại, tuy nhiên, nếu không ngừng tìm kiếm, bạn sẽ sớm tìm ra phương hướng. 

    Ở bài viết trước, tôi đã chia sẻ rằng, hành trình “theo đuổi đam mê” sẽ mang lại cho chúng ta năng lực thực sự. Nếu đã xác định được đam mê, ta nên chọn một phương thức phù hợp để theo đuổi, không có nghĩa là ta bỏ ngang ngành mà ta đang học, việc mà ta đang làm. Hãy cố tìm ra những điểm chung giữa hiện tại và tương lai để xác định điều gì cần đầu tư ngay bây giờ.

    Tuy ngành tôi học không phải sư phạm - điều tôi đam mê, nhưng khi nghiệm lại, chúng đã cho tôi rất nhiều kỹ năng chuyên môn phục vụ cho con đường giáo dục mà tôi theo đuổi. Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm dự án, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng vượt qua áp lực công việc, kỹ năng thiết kế một kế hoạch…. và vô số các kỹ năng khác. Tôi vẫn phải luôn tự nhắc nhở mình rằng, việc học đại học chỉ là một chặng đường nhỏ, và tôi vẫn đang tận dụng chặng đường này để trang bị những kỹ năng cần thiết. Thay vì chán nản và bỏ giữa chừng, tôi đã chọn những môn mà thực sự liên quan đến sư phạm để tôi chú tâm, quả thực là tôi đã có nhiều hứng khởi hơn trong hiện tại.

    Ngoài những môn học mà tôi cảm thấy thích thú, tôi phải cố gắng hoàn thành những việc tôi không thích, để đạt được điều mà tôi mong muốn. Bạn nghĩ xem, tôi có thể điều hành một trung tâm đào tạo không, nếu tôi không có bằng đại học? Đam mê sư phạm đã níu chân tôi lại ở con đường đại học mà tôi đi lúc đấy! 

    Sau này, mỗi khi nhìn lại chặng đường học hành đầy khó khăn mà không mấy thú vị, tôi đều không hối hận vì đã lựa chọn đánh đổi thời gian dài để hoàn thành nó trước khi dốc hết sức mình cho đam mê! Giờ nghĩ lại, đôi khi đó cũng chỉ là thử thách để thử rằng tôi có đủ đam mê hay không. Ví dụ về bản thân tôi cũng chính là một lời khẳng định rằng, ở những lúc tôi khó khăn nhất, đam mê đã cho tôi nhiều năng lượng để bước tiếp. Đây cũng chính là lý do thứ hai, giải thích vì sao bạn nên tìm ra đam mê.

Đam mê không chỉ khiến chúng ta hạnh phúc, mà chúng sẽ luôn bên cạnh ta những lúc khó khăn nhất!

Hãy yêu thương người bạn này

    Tôi gọi đam mê là người bạn tri kỷ trong cuộc đời mỗi người bởi nó thỏa mãn được 2 điều kiện: Khiến chúng ta hạnh phúc và vực chúng ta dậy mỗi khi khó khăn. Bạn thử nghĩ xem, một người bạn tri kỷ cũng tốt đến mức ấy là cùng. Vậy nên, bạn nên yêu thương chúng, không ngừng vun đắp mỗi ngày. Nếu như bạn không phải rơi vào 1 trong 2 nỗi bất hạnh như trong bài viết trên, bạn đang là một người cực kỳ may mắn, hãy càng trân quý điều đó hơn!

    “Xa mặt cách lòng”, người ta yêu thương cũng sẽ dần rời bỏ nếu ta không nâng niu, đam mê cũng như vậy. Hãy yêu thương bằng cách không ngừng trau dồi kiến thức, trải nghiệm liên quan đến lĩnh vực ta yêu thích. Khi bạn càng giỏi lĩnh vực bạn đam mê, bạn sẽ được “ở cùng” chúng suốt đời. Bởi ta đã biết: Đam mê = sở thích + năng lực, càng giỏi, bạn sẽ càng đam mê!

    Chia sẻ của tôi về 2 trường hợp phổ biến, 2 nỗi bất hạnh mà chúng ta phải đối mặt để vượt qua. Có lẽ sẽ chưa phải là tất cả những nỗi bất hạnh liên quan đến đam mê, tôi biết vẫn còn có nỗi bất hạnh của riêng bạn, nếu bạn có điều gì cần chia sẻ thì đừng ngần ngại nhé!

Bài viết: Trí Núi - Series Đường chọn nghề


Đăng nhận xét

0 Nhận xét