Đường chọn nghề 1: Hành trình tìm ra nghề phù hợp

Lời mở đầu cho Series: Đường chọn nghề 

    Chào bạn, chắc hẳn bạn đang trên hành trình tìm ra nghề phù hợp với cuộc đời mình đúng không? Có thể bạn đang là học sinh THPT sắp thi đại học, đang chọn cho mình một ngành ở một trường đại học. Cũng có thể bạn đã là sinh viên, người đi làm và đang có chút băn khoăn, và đang tạm dừng chân ở "chặng nghỉ" của hành trình chọn nghề, liệu rằng ta còn sự chọn lựa nào khác hơn?. 

    Đây chính là bài viết khởi đầu cho Series Đường chọn nghề, hy vọng những chia sẻ của Trí Núi sẽ cho bạn thật nhiều gợi ý trên chuyến hành trình chinh phục nghề nghiệp của mình.

Đừng vội chọn ngành nếu chưa đọc bài viết này

Bài 1: Hành trình tìm ra nghề phù hợp

    Không ít học sinh 12 vội vàng chọn cái nghề theo bạn bè, theo gia đình, đến khi học đại học thì chăm chăm học để lấy cái bằng ra trường, rồi đi xin vào một công ty làm mà không cần biết nghề đó có phù hợp với mình hay không. Có người nhận ra là mình không hợp với nghề, nhưng không thể “cố lại lần nữa” vì nhiều lý do. Theo Trí Núi, tốt nhất thì…, đừng để cái nghề mà mình gắn bó cả đời lại đến theo kiểu “bỗng dưng ập đến” như vậy.

    Việc đi đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp nên là một chuyến hành trình, mà phải là một hành trình có lộ trình – kế hoạch rõ ràng. Nếu như học sinh bắt đầu và kết thúc hành trình ấy ngay trước lúc làm hồ sơ dự thi vào đại học thì đó quả là một thời điểm lý tưởng. Bởi vì, ở “tọa độ” này, học sinh có rất rất nhiều cánh cửa để chọn lựa và nhiều cơ hội chọn đúng. Nhưng có một thực tế, hành trình chọn nghề đó thậm chí còn chưa bắt đầu đối với nhiều nhiều học sinh 12, những sinh viên đại học hay thậm chí là người đang có một công việc ổn định.

    Vậy hành trình chọn nghề là như thế nào? Trí Núi cho rằng, hành trình này gồm 3 chặng:

Chặng 1: XÁC ĐỊNH ĐAM MÊ

    1.1. Xác định đam mê thuần túy: 

    Khi bạn có một sở thích, một mong muốn nhỏ nhoi mà dần theo năm tháng nó lớn dần lên, đến một lúc mà bạn sẽ không thể sống thiếu nó, ta có thể gọi đó là đam mê (bài 2 sẽ đề cập rõ hơn về khái niệm đam mê). Có thể bạn đam mê âm nhạc, đam mê hội họa hay đam mê khoa học…đó chỉ là một dạng đam mê “thuần túy”, chúng ta cần nó như là một “nguyên liệu” để hình thành nên đam mê nghề nghiệp. 

    1.2. Xác định đam mê nghề nghiệp: 

    Nếu bạn đam mê hội họa thì các bạn nên tìm hiểu thêm về những “gương mặt tiêu biểu” trong lĩnh vực này (qua nhiều nguồn như sách báo, internet…). Đó có thể là một họa sĩ truyện tranh, một nhà thiết kế… Hãy tìm hiểu các giá trị mà những con người “hình mẫu” đó mang lại cho xã hội (google là có mà). 

    Hãy tự hỏi chính bản thân mình, liệu bạn có khao khát trở thành con người như họ trong 10 năm tới? Đi ngủ, liệu hình ảnh người đó có in trong đầu bạn như thể đang nhớ Crush? Nếu có thì bạn đã bước đầu hình thành được niềm đam mê nghề nghiệp rồi đó! Giờ, bạn hãy viết cái nghề đó ra: Kiến trúc sư, Nhà thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa ... ??? Hãy chọn ra 2-3 cái tên mà bạn thích nhất, nếu không có nhiều thì 1 cũng được, tuy nhiên nếu quá nhiều thì bạn nên chọn 3 cái tên bạn thích nhất thôi. 

Chặng 2: TRẢI NGHIỆM

    2.1. Quan sát và làm thử công việc

    Chỉ có “kinh qua” mới nếm được “cái giá” phải trả. Đừng theo đuổi bất cứ nghề nào chỉ vì “vẻ bề ngoài”, hay những thông tin ít ỏi lượm nhặt được, vì nghề nghiệp gắn liền với cuộc đời, chi phối toàn bộ cuộc sống ta sau này. Chẳng có lý do gì mà chúng ta lại không thử trải nghiệm thật hơn với nghề ấy. Cách đơn giản nhất đó là tìm đến những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngành nghề đó. 

Tôi sẽ phi đến xưởng gỗ nếu tôi muốn làm thợ mộc - Trí Núi said

    Hãy chứng kiến tận mắt các công việc và cách họ làm, nếu được thì xin phép họ được tự làm thử một công đoạn thì quá tốt. 

    2.2. Ghi chép và tự vấn

    Đừng quên ghi chép lại những công đoạn, thử cho điểm yêu thích của bạn với từng công đoạn, có thể công đoạn A bạn thích 1, công đoạn B bạn thích 10, công đoạn C bạn thích 5... 

    Việc ghi chép, suy ngẫm và tự vấn là rất rất cần thiết, bởi Trí Núi đã chứng kiến nhiều bạn thích vẽ, thích sáng tác và các bạn ấy kết luận nghề sẽ theo đuổi là Kiến Trúc Sư (đi đăng ký học vẽ đầu tượng liền liền). Nhưng cho đến khi họ gặp được những Kiến Trúc Sư hiện tại đang hành nghề, thì họ biết được rằng Kiến Trúc Sư không chỉ có vẽ vời, bay bổng mà họ phải thật tỉ mỉ trong việc thực hiện bản vẽ, nhức đầu trong việc quản lý các lĩnh vực về kỹ thuật, kết cấu, công nghệ…Mà bản thân họ lại cực kỳ ghét tính toán, suy luận, lập kế hoạch…

    Đồng thời, ở bước này bạn cần ghi chép lại các năng lực mà nghề nghiệp này cần có. Ví dụ: KTS phải biết lập kế hoạch, thuyết trình, óc thẩm mỹ, họa sỹ phải biết vẽ tay, biết sáng tác… Hãy quan sát và hỏi người đi trước rằng nhờ có những kỹ năng nào mà họ thành công. Các năng lực được liệt kê này bạn cứ tạm để ở 1 cột, sẽ phục vụ cho bước tiếp theo. 

    Và còn nữa, tiếp xúc với người đi trước, hãy tìm hiểu những thứ mà họ phải hy sinh khi theo đuổi ngành này. Ví dụ: Làm hướng dẫn viên, tiếp viên hàng không thì không thể về nhà ăn cơm với gia đình như người khác… Và tự hỏi, bạn có chấp nhận hy sinh không? Nếu bạn yêu nghề nào đó, chắc hẳn bạn sẽ chấp nhận đánh đổi để được làm việc đó.

Chặng 3: TỔNG HỢP, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC

    Bước đến đây, chắc bạn đã có trong đầu một cái nghề cụ thể rồi. Chưa kết thúc đâu nhé…

   3.1. Đánh giá năng lực hiện tại:

    Dựa trên những gì thu thập được, và từ chính trải nghiệm của bản thân. Bạn sẽ phải tự tổng hợp, để tìm ra đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu (tạm gọi là năng lực hiện tại của bạn) khi trực tiếp trải nghiệm công việc ở chặng 2. 

Ví dụ: Tôi bước vào xưởng mộc, có mùi gỗ và tôi liên tục hắc xì (điểm yếu); Tôi từng được khen là có "hoa tay" vì làm nhiều đồ thủ công rất đẹp (điểm mạnh)

    Hãy nhớ lại những việc mà bạn đã từng được khen giỏi là gì? Những việc bạn từng làm tệ? Không chỉ trong khuôn khổ buổi trải nghiệm mà hãy liên tưởng nhiều đến những điều xảy ra trong cuộc sống bạn từ trước đến nay. Cứ viết chúng ra để ta có phép so sánh nhé!

    3.2. Khoảng cách giữa bạn hiện tại với nghề nghiệp :

    Ở chặng 2, bạn đã biết nghề nghiệp bạn đang hướng đến sẽ yêu cầu một năng lực nhất định. Chắc chắn, năng lực hiện tại của bạn là còn một khoảng cách xa so với nghề bạn dự định chọn. Hãy so sánh với năng lực hiện tại của bản thân và hãy tự mình xem xét rằng: liệu có thể rút ngắn khoảng cách đó trong 5 năm đại học hay không? Bạn sẽ phải trung thực với bản thân, nghiêm túc với mọi quyết định được đưa ra. Vì đó chính là tương lai của bạn chứ không của ai khác!

    Vd: Bạn chưa từng được giáo viên nhận định là khá trong môn Văn, tự bạn cũng thấy khó khăn khi viết văn thì bạn nên cân nhắc khi lựa chọn nghề phóng viên, tự đặt câu hỏi bạn có thể viết – nói thành thạo trong tương lai, cách cải thiện, thời gian cần để cải thiện…?

    Bước xem xét này, bạn nên tham khảo thêm những người có kinh nghiệm cho bạn thêm nhiều góc nhìn nhé! Khi cần ý kiến của một ai đó, bạn hãy thực sự nghiêm túc đặt câu hỏi, trình bày rõ những gì bạn đã nghiên cứu bằng một bản tóm tắt. Sẽ chẳng ai cho bạn câu trả lời hết lòng nếu như bạn trình bày một cách hời hợt. 

TÓM LẠI

(1) cần xác định được đam mê nghề nghiệp, 

(2) trải nghiệm nghề để kiểm chứng đam mê, xác định năng lực cần có, những thứ phải đánh đổi

(3) so sánh giữa xuất phát điểm của bạn và năng lực cần có, trả lời câu hỏi có thể cải thiện được hay không? Nếu có thì nhích thôi! Nếu không thể, hãy quay lại chặng 1 nhé! 

Đón xem: Bài 2 - Đam mê là gì?

    Tất nhiên là, cuộc đời sẽ không bao giờ phụ thuộc vào một bản kế hoạch quá cứng nhắc và hoàn chỉnh. Nhưng bạn nghĩ sao nếu không hề có một kế hoạch gì cả? Rắc rối của hơn 50% sinh viên ĐH đang nằm ở đó. Chính vì vậy bạn hãy bắt đầu viết kế hoạch đi, có thể bạn sẽ phải thực hiện lặp đi lặp lại các chặng trên nhiều lần mới có thể có quyết định cuối cùng, thế nên, bắt đầu càng sớm càng tốt. 

    Dù bạn đang là học sinh, sinh viên hay đã tốt nghiệp đại học, tôi tin rằng “chuyến hành trình tìm nghề” ấy luôn luôn là cần thiết nếu bạn muốn xác định đúng nghề nghiệp, từ đó chinh phục nghề nghiệp phù hợp với đam mê lẫn sở trường bản thân. Chỉ có hạnh phúc với công việc mình làm, bạn mới có thể cống hiến những giá trị xứng tầm cho xã hội.

    Đừng chần chừ và cũng đừng hấp tấp bạn nhé! 

Bài viết: Trí Núi - Series Đường chọn nghề
Bài viết có tham khảo ấn phẩm “Khởi Hành” – GS.John Vu


Đăng nhận xét

4 Nhận xét

  1. bài hay quá ạ, cảm ơn bạn đã chia sẻ

    Trả lờiXóa
  2. Phát hiện ra, trước đây mình chọn ngành học không có một phương pháp gì cả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy hiện tại, mình có thể dùng phương pháp trên để kiểm chứng lại nhé!

      Xóa