KHI THIẾT KẾ ĐỒ ÁN "NHÀ Ở"

Những kiến thức mà tôi viết dưới đây được đúc kết trong quá trình làm đồ án “nhà ở”- một đồ án sinh viên năm 2. Những quan điểm này được nhìn từ góc độ của một “phong cách kiến trúc” và dĩ nhiên là trong vốn hiểu biết của tôi ở thời điểm bấy giờ nên sẽ có những nhìn nhận tương đối chủ quan và hạn hẹp so với phạm trù kiến trúc rộng lớn mà chúng ta biết. Tuy nhiên, có những kiến thức mà theo tôi là căn bản mà người học kiến trúc nên biết, vì thế tôi mong muốn được chia sẻ nó với những bạn mới tiếp cận lĩnh vực này. Điều quan trọng nhất mà tôi muốn gửi gắm, không phải là những kiến thức về một vấn đề nào đó, mà là lời khuyên cho những người học kiến trúc, chúng ta nên có thói quen sử dụng trí óc thay vì cảm tính để phân định đẹp xấu, đúng sai,… dù là nhận thức nông cạn hay sâu sắc thì điều quan trọng vẫn là ý thức suy nghĩ, đánh giá những thông tin mà ta tiếp nhận, những gì ta làm, vì mọi thứ đều nên có lý do tồn tại của nó. Kiến trúc cần chất cảm cái đẹp như một ngành nghệ thuật nhưng cũng như một ngành khoa học, nó đòi hỏi những tư duy logic, những lý luận rõ ràng. Với quan niệm vững chắc như thế, các bạn sẽ học được rất nhiều qua mỗi đồ án. 
 1. Định hướng cho đồ án: 

Trước khi vẽ ra những phác thảo đầu tiên, dù là một sơ đồ công năng, mặt bằng,…việc có một ý tưởng định hướng là cần thiết và quan trọng. Một định hướng thật súc tích, đơn giản nhưng rõ ràng và hợp lí sẽ là cơ sở cho nhiều khai triển khác nhau. MỘT Ý TƯỞNG VÀ RẤT NHIỀU KHAI TRIỂN sẽ tốt hơn là mò mẫm mà không có định hướng rõ ràng. Ý tưởng có thể hình thức hóa bằng những phác thảo, bằng mô hình nhưng đôi khi chỉ đơn giản là những từ khóa, những dòng note ngắn định hướng đi. Trong quá trình phát triển các phương án, nên để tâm đến ý tưởng, mục đích đặt ra ban đầu: “liệu phương án này có đáp ứng mục tiêu đề ra?” “liệu sự thêm thắt này có phục vụ cho ý tưởng chính?”…Những câu hỏi như thế sẽ giúp bạn không bị chệch hướng hay tạo ra một sản phẩm chắp vá của vô vàn ý tưởng bất chợt.
Ý tưởng sơ khai ban đầu về kết nối hai không gian và phân định bởi một đường giao thông ảo. Quá trình phát triển suy nghĩ đến việc bố cục những khoảng đóng mở, sắp xếp nội thất, … nhằm hướng đến những yêu cầu đặt ra từ ý tưởng
Ý tưởng sơ khai ban đầu về kết nối hai không gian và phân định bởi một đường giao thông ảo. Quá trình phát triển suy nghĩ đến việc bố cục những khoảng đóng mở, sắp xếp nội thất, … nhằm hướng đến những yêu cầu đặt ra từ ý tưởng. Ảnh © Trần Quốc Bảo
2. Tham khảo tài liệu, “bắt chước” và “sao chép” 
Với mỗi giai đoạn của đồ án, việc tham khảo sẽ khác nhau. Trong những bước đầu, nếu bế tắc trong việc tìm ý tưởng trong phương pháp tiếp cận, thì nên tìm và phân tích một công trình của kiến trúc sư để thấy cách họ đặt vấn đề, giải quyết, phát triển đến khi hoàn chỉnh như thế nào. Không chỉ là đọc và xem, hãy vẽ lại những mặt bằng, mặt cắt của công trình (vẽ theo cách hiểu, có thể dưới dạng giản đồ), thậm chí là làm mô hình. Tìm những mọi nguồn phân tích về công trình để có thể hiểu nó rõ hơn. Rất nhiều điều có thể học được: từ cách xử lí công năng, sắp xếp bố cục đến không gian, ánh sáng, nội thất, vật liệu… Chúng ta không chỉ nên đọc những phân tích có sẵn mà phải tự đặt nghi vấn, đối chiếu nhiều quan điểm để chọn lựa.
Ở đây cần phân biệt giữa BẮT CHƯỚC (imitate) và SAO CHÉP (copy). Nói một cách nôm na, sao chép là chép mà không cần hiểu, thấy người ta làm đẹp, hay thì bê vào; bắt chước cũng là “chép”, nhưng chép có chọn lọc, có nhận thức.
BẮT CHƯỚC là chuyện mà bao đời nay các thế hệ kiến trúc sư đều làm, vì không có sự sáng tạo nào mà không dựa trên những nền tảng của người đi trước, cái mới nào tạo ra cũng đều học hỏi từ cái cũ. Nhất là đối với sinh viên, việc học tập những cái hay, vận dụng để có thể hiểu và nắm bắt được nó là điều nên làm. Nhưng vấn đề là bắt chước như thế nào. Không thể bưng một thứ nào đấy từ đồ án người ta vào đồ án của mình trong hiểu không thật sự hiểu về nó. Cái nên copy chính là TƯ DUY, LÝ LUẬN ẩn chứa trong thiết kế đó chứ không phải là HÌNH THỨCcủa nó. “Tại sao họ lại làm như vậy?” “Nó dùng để làm gì?” “Sử dụng như thế nào, cho cái gì, lúc nào thì hợp lý?”, “Nếu đặt vào đồ án của mình thì phải biến đổi thế nào để phù hợp?
Bài phân tích Villa Santillana-kts Henri Ciriani
Bài phân tích Villa Santillana-kts Henri Ciriani. Ảnh © Trần Quốc Bảo
3. Hình thức trong kiến trúc
Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, con người có thể tạo ra kiến trúc với bất cứ những hình khối, đường nét nào. Thẩm mĩ về cái đẹp cũng thay đổi, đã qua cái thời của Kiến trúc hiện đại với những hình kỉ hà, đường thẳng, những góc vuông thống trị kiến trúc. Nhiều kiến trúc sư bây giờ nổi tiếng với những đường nét mềm mại, những góc cạnh mới lạ như Zaha Hadid, H&M, Morphosis, Gehry. Thế nhưng thầy tôi lại khuyến khích sinh viên làm việc với những đường thẳng, những góc vuông, mọi sáng tạo khác có thể được cho phép nếu bảo vệ được lí do tồn tại của nó. Nghe có vẻ hà khắc, nhưng theo tôi điều đó hoàn toàn hợp lí trong việc HỌC kiến trúc.
Lấy một ví dụ nhỏ, một designer nội thất thiết kế một chiếc ghế con để ngồi, nếu chiếc ghế không đảm bảo được những tiêu chuẩn cơ bản của nó để người ta có thể ngồi thoải mái thì việc đưa những trang trí cầu kì, đường nét mềm mại, hình thù độc đáo cũng không thể đưa nó thoát khỏi hình ảnh một tác phẩm điêu khắc để trở thành một cái ghế được.
Không gian cũng giống như vậy, người ta cần phải làm nó đẹp trong tư duy, trong vẻ đẹp tối giản nhất. Những trang trí về màu sắc, vật liệu, những biến đổi về đường nét để trở nên hấp dẫn, bắt mắt là cần thiết, nhưng nó đến sau. Đối với những người chưa có những tư duy, cách nhìn tốt về không gian, ý thức về những gì họ vẽ ra, thì việc sa đà vào hình thức cũng giống như câu chuyện chiếc ghế vậy.


Klein Bottle House- kts McBride Charles Ryan
Klein Bottle House- kts McBride Charles Ryan. Ảnh © John Gollings
4. Ngôi nhà đẹp, trước tiên mỗi không gian sống phải đẹp:
Trong đồ án của tôi, giáo viên bắt đầu bằng bài tập thiết kế một nhà tắm LÝ TƯỞNG, một bài tập về không gian, ánh sáng, nội thất trong sự tương quan với công năng. Khi đã có một cái nhìn về chất lượng của mỗi không gian sống, công việc tiếp theo chính là lắp ghép và kết nối những không gian này lại (tất nhiên là phải sửa đổi nhiều để cho phù hợp)
Có lúc tôi tự hỏi, tại sao không phải là binh từ lớn đến nhỏ như người ta vẫn hay làm: từ phân tích khu đất, đến hình khối đặc rỗng, thông tầng, lấy sáng này nọ, đến chia không gian thành từng phần, từng phòng rồi sau đó là vẽ nội thất. Sau đó tôi mới nghiệm ra rằng: đồ án học và việc làm thực tế là khác nhau. Đối với sinh viên, cái cần học là tạo ra không gian với giả thiết mọi phương diện lí tưởng, không bị ràng buộc bởi những yếu tố bên ngoài như ngoại cảnh, hạn chế diện tích, điều kiện khí hậu, kinh tế gia chủ, khả năng thi công,... Khi đã có NHẬN THỨC VỀ SỰ LÝ TƯỞNG rồi thì khi áp đặt các yếu tố khác, sinh viên mới có thể tạo ra được không gian lý tưởng nhất có thể.

MM House-  MM++ architects Nhà vệ sinh thường bị đóng trong những không gian kín thiếu ánh sáng tự nhiên không phải vì nó không cần ánh sáng mà là những vấn đề về riêng tư bó buộc
MM House- MM++ architects

Nhà vệ sinh thường bị đóng trong những không gian kín thiếu ánh sáng tự nhiên không phải vì nó không cần ánh sáng mà là những vấn đề về riêng tư bó buộc. Ảnh © Nam Bui
5. Phân chia và kết nối không gian:
Nói đến phân chia không gian, chúng ta thường nghĩ đến những bức tường, những vách ngăn. Ở đây, phân chia được hiểu theo cách cụ thể. Thực tế, không gian có thể được chia cách, phân định bằng nhiều cách: sự thay đổi độ cao sàn, độ cao trần, sự thay đổi về ánh sáng, sự thay đổi về chất liệu, nội thất, ,luồng di chuyển giữa hai không gian, không gian đệm,… Đây là những cách phân chia không rạch ròi, không như những bức tường tách biệt hai không gian độc lập, thế nên tùy theo trường hợp mà áp dụng, nó có thể giúp việc phân chia những không gian theo công năng mà vẫn đảm bảo sự liền mạch.
Stacking Green- kts Võ Trọng Nghĩa Ngăn cách giữa phòng tắm và phòng ngủ bằng một giếng thông sáng
Stacking Green- kts Võ Trọng Nghĩa

Ngăn cách giữa phòng tắm và phòng ngủ bằng một giếng thông sáng. Ảnh © Hiroyuki Oki
6. Tường trong mối liên hệ với không gian :
“Đối với kiến trúc sư, một bức tường tồn tại ở đó không phải là vì nó giúp chịu lực trong kết cấu. Nếu nó không có ý nghĩa về mặt không gian, hãy vứt nó đi và thay bằng cột chịu lực” Một ví dụ như thế để cho thấy rằng, kts không thể viện những cớ về kết cấu để che đi sự vô tâm trong việc vẽ những bức tường; kích thước, hình dáng, chiều cao, bề dày, khoảng mở trên, mở dưới,…tất cả đều nên có lí do tồn tại của nó.
Nếu nhìn nhận tường như một yếu tố phân chia không gian, có thể phân loại nó như sau: 
+ tường 2/3 (tường lửng thấp hơn trần) thường tương ứng với chiều cao con người. 
+ tường 1/3 tương ứng với những vật dụng như bàn, giường, lan can…không thể bước qua được nhưng nhìn dễ dàng qua được. 
+ tường 3/3 tương ứng với chiều cao 1 tầng (chạm đến trần nhà) 
Mỗi loại sẽ có những tác động khác nhau đến không gian. Loại tường 2/3 thường được sử dụng để phân chia không gian mà vẫn tạo sự liên kết, tạo chiều sâu cho không gian.


House 13 Martaban, văn phòng ktr ONG& ONG
House 13 Martaban, Văn phòng Kiến trúc ONG& ONG. Ảnh © ONG&ONG
Trong 2 phòng ngủ ở tầng 1,2 có thể thấy kts thiết kế rất thông minh để tạo cách liên hệ giữa phòng ngủ và các không gian khác
- Ở tầng 2 sử dụng tường ngăn cách như tường 2/3 (không vượt tới trần, vừa để lấy sáng, vừa tạo sự liên hệ giữa phòng ngủ và không gian phía sau, khiến không gian có chiều sâu hơn. 
- Ở tầng 1, một không gian đệm được đặt ngăn cách hành lang chung và không gian nghỉ ngơi, không gian này mở ra phía sau (không có cửa ngăn cách), vừa riêng vừa chung, để tạo một khoảng cách và giữ sự riêng tư cho chỗ ngủ 
- 2 phòng ngủ sử dụng thông tầng, nhìn có vẻ bất thường nhưng vẫn được tính toán để đảm bảo sự riêng tư cần thiết
7. Phối cảnh không chỉ là một công cụ để trình diễn:
Chúng ta thường hay bình đồ án với mặt bằng, mặt cắt, mô hình và thường rất ít khi tư duy không gian từ phối cảnh. Mặt bằng cho phép thông tin về không gian theo chiều ngang, mặt cắt, mặt đứng cho thông tin về kích thước theo chiều dọc, tuy nhiên, để cảm nhận được những vấn đề về hình khối, về chiều sâu,… cần một cái nhìn ba chiều mà phối cảnh là công cụ đơn giản giúp ta hình dung được không gian muốn tạo ra. Phối cảnh một điểm tụ thường được sử dụng vì nó đơn giản, dễ dựng theo tỉ lệ và cho một cái nhìn tương đối đầy đủ về các yếu tố trong không gian. Đôi khi chúng ta hay sử dụng phối cảnh chim bay hay axonometry để cho một hình dung tổng thể về hình khối. Chúng rất hữu dụng, nhưng đó chỉ là một công cụ để biểu diễn, để thể hiện. Trong việc binh không gian, những phối cảnh theo tương ứng với góc nhìn thật ( có nghĩa là đường chân trời trong phối cảnh tương ứng với tầm mắt của con người) mới thực sự quan trọng. Góc nhìn này cho ta cảm nhận thực tế về các diện, mặt đứng, mặt ngang, đặc rỗng, liên kết trên dưới, những khoảng mở đóng giữa các không gian.
Phối cảnh nghiên cứu tác động của việc bố cục những mảng đặc trong cảm nhận về không gian
Phối cảnh nghiên cứu tác động của việc bố cục những mảng đặc trong cảm nhận về không gian. Ảnh © Trần Quốc Bảo
8. Nội thất trong cách nhìn của kiến trúc sư:
Khác với designer, kts không phải là người thiết kế trang trí nội thất, càng không phải là nhân viên tiếp thị cho một hãng kinh doanh đồ gia dụng. Đối với kts, một bộ salon bằng gỗ chạm trổ và một bộ salon bọc nệm đóng vai trò như nhau trong không gian. Cái được quan tâm chính là hình dáng, kích thước và vị trí của nó. Nội thất nên được xem là một thành phần cấu tạo nên không gian thay vì trang trí cho không gian: một chiếc tủ đặt sát tường sẽ góp phần tạo cảm giác về bề dày cho bức tường, một chiếc kệ sách ngăn giữa phòng khách và phòng bếp sẽ tạo nên phân chia không gian, một mảng bê tông liên tục gấp nếp chạy dọc theo tường, lúc hạ xuống để thành băng ghế, lúc nâng lên để thành bếp rồi gập nằm dọc để thành một kệ đồ,…. tạo sự dẫn dắt trong không gian,…
Có thể phân loại nội thất thành loại di chuyển được (mobile) và loại không di chuyển được (immobile). Những nội thất mà chúng ta đặt vào sau khi ngôi nhà xây xong là loại di chuyển được, có thể sẽ bị thay đổi tùy vào chủ nhà, còn khi nó là một phần của sàn, tường, hay trần, nó cố định không thay đổi được, nó sẽ không chỉ mang ý nghĩa về sử dụng và còn góp phần vào định hình không gian.


Fisher house- Kts Louis Kahn- Một băng ghế được hình thành từ façade
Fisher house- Kts Louis Kahn- Một băng ghế được hình thành từ façade. Ảnh © Grant Mudford
9. Ánh sáng tự nhiên, một nguyên liệu của kiến trúc
Ánh sáng tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong không gian sống, không những là những không gian chung mở như phòng khách, nhà bếp, ngay cả những không gian riêng tư như phòng ngủ, nhà tắm, wc cũng cần ánh sáng tự nhiên. Ngoài lấy sáng từ mặt đứng, những giải pháp thông tầng và tường dẫn sáng (phản xạ ánh sáng) sẽ giúp đưa ánh sáng tự nhiên vào sâu trong những không gian giữa ngôi nhà. Tùy vào chức năng không gian mà sẽ có những yêu cầu về chất lượng ánh sáng khác nhau. Nhưng nhìn chung, ánh sáng khuếch tán được đánh giá cao hơn ánh sáng trực tiếp vì nó tránh được bức xạ mặt trời trực tiếp và tạo nên không gian sáng đồng nhất hơn.Y house – ONG&ONG
Y house – ONG&ONG: Bức tường dẫn ánh sáng vào nhà vệ sinh, dù với diện tích nhỏ nhưng không gian vẫn rất thoáng đãng. Ảnh © ONG&ONG
10. Cầu thang, hành lang: kết nối hay ngăn cách
Cầu thang, hành lang là những thành phần kết nối các không gian lại với nhau. Nhưng kết nối ở đây chỉ mang ý nghĩa về di chuyển. Những không gian này thực tế tạo nên những ngăn cách. Những hành lang hẹp, những lõi cầu thang tách biệt khi chỉ đóng vai trò cho việc di chuyển vô hình chung biến thành những không gian “chết” vì ở đó không có sự giao tiếp, sự trao đổi giữa con người với nhau. Thế nên khi thiết kế, những thành phần giao thông nên tránh bị cô lập, hoặc được mở và kết nối sang những không gian sống, hoặc tự nó biến thành một không gian có hoạt động,…
Villa la roche- Le Corbusier Cầu thang và hành lang giao thông với mục đích kết nối không gian này và không gian khác nên sự thiết kế cần suy nghĩ đến vị trí, hướng, đóng mở, góc nhìn. Chính những không gian thường bị coi là thứ yếu này tạo nên sự mạch lạc trong kết nối các không gian sinh hoạt
Villa la roche- Le Corbusier

Cầu thang và hành lang giao thông với mục đích kết nối không gian này và không gian khác nên sự thiết kế cần suy nghĩ đến vị trí, hướng, đóng mở, góc nhìn. Chính những không gian thường bị coi là thứ yếu này tạo nên sự mạch lạc trong kết nối các không gian sinh hoạt. Ảnh © Cemal Emden
Bài: Trần Quốc Bảo
(Học ngành kiến trúc tại Đại học kiến trúc quốc gia Paris La Villette)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét