Kinh nghiệm thi vẽ tượng - Khối V1 Kiến Trúc

Trang sách được trích từ Cẩm nang Vẽ Đầu Tượng 2013 do Hội Sinh Viên Đại Học Kiến Trúc và Diendankientruc.com phác hành.


Luyện thi kiến trúc, Vẽ tượng thạch cao, kinh nghiệm trước khi thi khối V HCM

Xem rõ tại: Kinh nghiệm thi vẽ tượng

NỘI DUNG TRANG CHIA SẺ:


Câu 1: Vẽ tượng có cần vẽ rõ mảng ra không?
Em cần phải biết cân bằng giữa những yếu tố như tạo mảng khỏe khoắn , tạo hình khối cơ bản với việc chuyển mềm giữa các mảng bằng cách chuyển mềm sắc độ giữa các mảng với nhau.
Câu 2: Cách tốt nhất để lên bóng đậm nhạt theo ý mình là sao hả các anh chị ? nhiều khi lên đậm nhạt không theo ý mình lúc đó em lại phải di chì  cho nó khỏe?
Để lên được đậm nhạt theo ý mình , thứ nhất: Bạn nên lên đồng bộ , thể hiện hệ thống sáng tối lớn của tượng, đi từ tổng thể đến chi tiết , không nên vẽ tập trung vào 1 chỗ, như thế có thể kiểm soát được tương quan sáng tối của toàn bài .
Lời khuyên: bạn nên đưa bài ra xa để kiểm soát tổng quan sáng tối , thứ hai ban phải điều khiển nét chì và màng , tùy theo phong cách vẽ .
Lưu ý: khi di chì nhiều bài sẽ bị lì, mất độ trong dẫn đến tương quan không tốt.
Câu 3: Cho em hỏi :” Có nhất thiết khi vẽ tượng lúc nào cũng bên phía sáng của tượng thì phông phía sau đó phải đậm và ngược lại phải không ạ ? Vẽ 2 bên đậm hết được không ạ? Cách nào thì điểm cao hơn khi đi thi kiến trúc ạ?”
Phông là nhằm tạo không gian cho bức tranh, cảm xúc cho bức tranh, có nhiều cách đánh phông, em nên xem nhiều bài mẫu để chọn cách đánh phông phù hợp cho minh.
Để bài tượng có điểm cao thì em phải : Bố cục tốt, đúng hình , bắt được đặc điểm của tượng, tạo được không gian và cảm xúc cho bài vẽ. 
Câu 4: Em có vẽ vài mẫu , có những  điểm trên mẫu rất sáng , em gôm trắng giấy rồi mà cũng không lấy được cho đúng ánh sáng đó , vậy có cách gì mình thể hiện được không ? Hay đành để tương đối vậy .
Bạn cần nhấn mạnh thêm phần tối , tăng độ tương phản nó sẽ bật sáng lên, vì sắc độ phần tối và sáng chưa đủ . Cùng với đó ban nên so sánh sắc độ các mảng với nhau.
Câu 5: Tình hình là em lên khối thô lắm , tại nhiều nét quá nên bài bị loạn , anh chị cho em biết cách khắc phục với , còn về dựng hình có cách luyện tập nào khác phục được bệnh thiếu sọ không?
Khi đi thi ,dựng hình là quan trọng nhất , rồi mới đánh bóng, hãy luyện thật kỹ các tỷ lệ, dựng hình cho thật chuẩn , khi lên bóng cần phải tả được hệ thống sáng tối chung, tả được hướng sáng, độ tương phản sáng tối . Nếu bạn muốn nét đẹp thì chỉ có cách luyện tập thật nhiều , để khắc phục sự thiếu sọ bạn nên tham khảo các sách giải phẩu học.
Câu 6: Bị lì là gì ?
Là hiện tượng giấy bị đánh quá nhiều , mất độ nhám , không thể lên bóng thêm được nữa
Câu 7: Vào phòng thi được phép mang theo những gì ?
Được phép mang dao rọc giấy vào phòng thi, mang bảng, mang kẹp giấy, không cần mang theo giấy vẽ ( vì sẽ được phát , gọt sẵn bút chì ở nhà rồi mang theo phòng sơ cua, dây dọi,  que đo, gôm ( tẩy ), khăn lau tay, ghế nhựa …
Câu 8: Nét đánh bóng phải như thế nào, đan nhiều nét caro và phải có lỗ bắt sáng hay chỉ dùng nét dọc và nét xiên xiên vài mươi độ và đánh cho khối thật mịn ?
Caro hay mịn đều có thể được tùy vào khả năng bắt nhịp của  em  tốt với trường hợp nào thôi, quan trọng là thể hiện được chất và khối của vật liệu .
Câu 9: Làm sao để thể hiện được chất liệu của thạch cao ?
Chú ý những đặc điểm của thạch cao như : bóng phản quang, sắc độ giữa vùng sáng và vùng tối
Câu 10:Đánh bóng cho đúng là như thế nào? Đánh theo ý mình nhưng bài vẫn ổn liệu có được không ?
Có nhiều cách đánh bóng , khi tả bóng cần đạt được những điều sau :
+ Tả đươc khối của vật thể
+ Tả đươc chất liệu của vật thể
+ Tả được không gian
Để đạt được những điều trên cần năm bắt được miền sáng miền tối, bóng đổ, bóng bản thân, phản quang.
Câu 11. Những diện nào cùng phía với nhau thì sẽ đón ánh sáng như nhau phải không?
Không, trong các diện ở diện sáng có sự phân chia sắc độ khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được nó ở miền sáng.
Câu 12. Lên như thế nào để đậm được?
Kiểu nào cũng được, miễn là lên đủ sắc độ mà giấy không bị lì. Bạn cần hiểu 1 điều thế này:
       - Không phải đè mạnh là đậm.
      - Độ đậm quyết định bởi mật độ hạt chì bám trên mặt giấy. Vậy nên khi HB, 2B đã bão hòa lượng hạt chì thì lập tức đổi bút chì 3, 4B. Không nên đè mạnh.
Câu 13. Phần không gian trước mặt tượng nhiều hơn phía sau hay 2 bên bằng nhau?
Phần không gian trước mặt tượng nhiều hơn sẽ tạo cảm giác thoáng hơn, bố cục đẹp hơn.
Câu 14. Vẽ tượng mình có cần vẽ vải không?
Tất nhiên là vẽ vải sẽ tốt hơn …nhưng trong khoảng thời gian 4 tiếng, nên chăm chú vào vật chính thì tốt hơn, không gian nền thì lên sơ cũng được. Vì khi chấm là chấm tượng, còn nền chỉ là 1 thứ phụ giúp tôn lên cái tượng chính, nó cũng làm khối nổi rõ hơn. Còn nếu bạn nhắm mình đủ khả năng vượt xa điểm về tượng và nghĩ mình có đủ thời gian vẽ vải thì cũng được. Nếu chưa vững, vẽ vải vào có khi bị trừ điểm.

Vài lời nhắn nhủ:


Khi vẽ phải phối hợp “đôi mắt-khối óc-bàn tay”. Mắt để quan sát,so sánh, óc để phân tích, tay để vẽ. Rất nhiều bạn bỏ qua bước phân tích, nếu chỉ sử dung mắt và tay để vẽ chỉ đó chỉ là chép tượng.” Mình cũng xin nhắc thêm là khi vẽ nên để bài ra xa để quan sát tổng thể , vì thầy cô chấm bài cũng nhìn từ xa.

Dành ra 5-10p để quan sát tượng thật kỹ để nhận định tượng cao, thấp, mập, ốm và những đặc điễm mà chỉ tượng đó có. Sau đó đo dựng khung hình lớn bao quanh tượng chú ý kích thước bố cục. Tiếp tục đo và dưng khung bao của đầu và mặt. Dưng hình và đánh bóng từ tổng thể đến chi tiết, từ lớn đến nhỏ. Sau khi dựng hình sơ bộ cần đánh bóng đồng thời với dựng hình. Lúc nào cũng phải xem xét tổng thể, không tập trung bất kì ở vị trí nào. Vẽ có chủ đích, chỗ nào đậm nhạt, chỗ nào kỹ hay buông thì phải xác định trước. Thường xuyên kiểm tra , sửa kĩ về hình vì đôi khi phải đánh bóng khối cho nổi và rõ ràng để phát hiện sai về hình

Dùng que đo hoặc cây bút chì thường dùng của mình để lấy chính xác hơn các khoản tỉ lệ cần thiết trên tượng. Có lời khuyên cho các bạn là ban đầu nên đo chính xác các thành phần chính để làm chuẩn, sau đó đối với các chi tiết nhỏ thì nên dùng phương pháp dóng vì thường sau khi vẽ một thời gian, đầu óc căng thẳng thì khả năng đo nhắm của bạn sẽ không còn chính xác nữa. Sau khi dựng hình xong nên dừng lại một chút để bình tĩnh lại rồi kiểm tra hình bằng cả hai phương pháp đo và dóng. Nhấn mạnh một lần nữa với các bạn là việc dựng đúng hình rất quan trọng.

Khi làm bài thi Hình họa nên gấp bảng tên ra sau bảng vẽ để tránh hằn vết khi lên chì. Bạn nên mang theo 2 cái ghế, một cao một thấp, ghế cao sử dụng trong trường hợp không tìm được chỗ tốt. Có thể lấy giấy nháp hoặc đề thi để lót tay.

Nên mặc quần áo thoải mái để có thể ngồi vẽ lâu, quần jeans sẽ dễ bôi tay dính chì hơn.

Thi lý xong nên nán lại 1 chút, bạn sẽ thấy người ta đánh dấu chỗ đặt tượng và hướng quay mặt của tượng trên sàn nhà.

Một số vấn đề cần lưu ý với các số bạn ra mồ hôi tay/bài dơ do chà tay nên dùng giấy nháp hoặc dùng luôn đề thi để lót.

Cần chuẩn bị tâm lý vững vàng trước ,trong ,sau khi thi. Đặc biệt trong khi thi phải ổn định ko nên bị tác động bởi các thí sinh khác và giám thị.

Các bạn nên đem theo 2 ghế, một cao một thấp và nhớ canh giờ. Chỉ nên dựng hình trong tầm 1-1.5 tiếng để tránh lên bóng không kịp.

Mình có lời khuyên cho các bạn sắp bước vào kì thi đại học căng thẳng. Đối với các bạn ôn thi cấp tốc khi vào thi nên chú trọng phần dựng hình (1- 1.5 tiếng). Luôn quan tâm tổng thể đến mọi thứ đồng bộ với nhau. Nên theo trình tự BỐ CỤC –DỰNG HÌNH- ĐÁNH BÓNG TỔNG THỂ-ĐÁNH BÓNG CHI TIẾT-NHẤN NHÁ-LẤY SÁNG . Quan trọng nhất phải dùng đầu để phân tích, vẽ bằng đầu chứ không phải vẽ bằng mắt. Đối với các bạn đã học lâu tự tin về dựng hình thì nên vẽ theo những gì đã học, tự tin vào khả nang của mình. Chúc các bạn thi tốt.

Gửi đến các bạn một câu nói của họa sĩ một điêu khắc gia người Pháp Edgar Degas. Vẽ rất dễ khi bạn không biết vẽ nhưng rất khó khi bạn biết vẽ....hãy nghĩ về nó.


Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Hữu Trí Đội Trưởng Đội SVTN Diễn Đàn Kiến Trúc